Danh sách cố vấn

Vai trò của cố vấn khởi nghiệp

Ngày đăng : 27 Sep, 2022 lúc 23:23

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về người cố vấn khởi nghiệp từ các chuyên gia và các tổ chức quốc tế. Nhưng với tôi, sau hơn 5 năm trong vai trò người được cố vấn (mentee) và 3 năm trong vai trò là người cố vấn khởi nghiệp (mentor), thì cố vấn khởi nghiệp là những người có hoặc không có chuyên môn khởi nghiệp, kinh doanh hay làm doanh nghiệp. Điều quan trọng là người cố vấn (mentor) phải có đủ tâm và tầm, sẵn sàng cho đi và chia sẻ để dẫn dắt các dự án khởi nghiệp, những nhà sáng lập, đồng sáng lập.

Tác giả (ngoài cùng bên phải) giao lưu, chia sẻ với các học viên khóa cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng. Ảnh: CTV

Tác giả (ngoài cùng bên phải) giao lưu, chia sẻ với các học viên khóa cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng. Ảnh: CTV

Cố vấn khởi nghiệp,họ là ai?

Rất nhiều người quan tâm đến vấn đề: Nếu cố vấn khởi nghiệp (CVKN) mà không có chuyên môn thì có làm được không?

Có một điều, mối quan hệ mentoring là hành trình dài xây dựng niềm tin, một hành trình gắn kết mà ở đó không chỉ có sự cho và nhận, mà nó còn là sự lắng nghe, đồng cảm, thấu hiểu...

Đôi khi, người mentor chỉ đóng vai trò là “người cố vấn tinh thần” cho một nhà sáng lập hoặc một dự án nào đó. Đơn cử, một trong những người cố vấn của Steve Jobs là Thiền sư Kobun Chino Otogowa (Nhật Bản) và mối quan hệ này kéo dài tận 20 năm (cho đến khi Thiền sư Otogowa qua đời).

Bạn có chuyên môn, bạn có thể chia sẻ nó cho người được cố vấn (mentee) những lời khuyên, nhưng nếu bạn không có chuyên môn thì bạn có sự trải nghiệm, bạn có khả năng lắng nghe, thấu hiểu hoặc bạn có thể kết nối với những người có thể giúp mentee của mình.

Với hơn 3 năm trong vai trò của một mentor, tôi thấy đôi khi chuyên môn chưa phải là điều quan trọng nhất trong hành trình mentoring. Tôi hay tập trung vào phát triển con người, giúp mentee tìm thấy chính bản thân họ trong công việc, cuộc sống và giúp họ có thêm nhiều góc nhìn đa chiều để họ có thể ra quyết định tốt hơn.

Lý tưởng nhất để trở thành người CVKN vẫn là những doanh nhân thành công, giàu kinh nghiệm và nhiều trải nghiệm. Họ không nhất thiết phải có những thành tựu kinh doanh đồ sộ, mà những kinh nghiệm thương trường, những va chạm thực tế trong công việc kinh doanh, khởi nghiệp, những mối quan hệ làm ăn, mạng lưới kết nối kinh doanh... là nguồn tài nguyên cực kỳ quý báu đối với những người mới khởi nghiệp, lập nghiệp.

CVKN là thành phần quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương. Theo kinh nghiệm của tôi, người CVKN mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng khởi nghiệp.

Họ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm khởi nghiệp, những bài học thất bại và thành công, giúp cho người khởi nghiệp có thêm niềm tin, động lực, tinh thần khởi nghiệp. Họ mang đến cơ hội kinh doanh, giúp người khởi nghiệp có thêm nhiều mối quan hệ chất lượng.

Người khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận mạng lưới kinh doanh, mạng lưới cố vấn để có thể lắng nghe, học hỏi thêm những điều khác, được đào tạo kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, được truyền cảm hứng từ người cố vấn của mình.

Người cố vấn với sự đồng cảm, thấu hiểu và nhiều trải nghiệm sẽ cho người mentee nhiều góc nhìn đa chiều, giúp mentee có khả năng ra quyết định tốt hơn. Và một phần nhỏ: đôi khi mentor cũng trở thành những nhà đầu tư giai đoạn ban đầu cho người khởi nghiệp.

Cố vấn khởi nghiệp,họ làm gì?

Mentoring là hành trình tự nguyện giữa người cố vấn và người được cố vấn, hành trình mentoring thường kéo dài, có chương trình thì 3 tháng, 6 tháng hoặc nhiều hơn nữa. Trong suốt hành trình này, người cố vấn dùng kỹ thuật đặt câu hỏi, dùng cách kể chuyện, chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm của họ để giúp cho người được cố vấn thấu hiểu bản thân, nâng cao kỹ năng lãnh đạo và năng lực giải quyết vấn đề, ra quyết định.

Trên thực tế, người mentor sẽ phải đóng nhiều vai trò khác nhau trong suốt hành trình mentoring diễn ra, tùy theo mức độ phát triển của người mentee hoặc dự án khởi nghiệp. Đôi khi, người mentor sẽ trong vai trò của người trainer (nhà đào tạo): giúp cho mentee nhiều kiến thức chuyên môn, chuyên ngành. Và cũng có khi mentor lại trở về với vai trò là người truyền động lực, truyền cảm hứng cho mentee những lúc họ nản lòng, nhụt chí....

Hành trình Mentoring chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi và chỉ khi được xây dựng trên cơ sở niềm tin và sự lắng nghe, chia sẻ thật lòng. Mối quan hệ 2 chiều này muốn bền vững thì cả mentor và mentee đều phải nhận được giá trị từ hành trình mentoring này. Sẽ không bền vững khi nghĩ rằng mentoring là mối quan hệ giữa bên cho (mentor) và bên nhận (mentee).

Cộng đồng cố vấn khởi nghiệp Quảng Nam

Một trong những địa phương tiên phong xây dựng mô hình CVKN, Quảng Nam đã và đang có những bước đi đúng để kết nối cộng đồng doanh nhân người Quảng Nam thành công về cống hiến cho quê hương.

Tuy nhiên, để hình thành được cộng đồng CVKN mang lại giá trị thực sự cho cộng đồng khởi nghiệp của Quảng Nam trong thời gian tới, theo tôi cần có sự chung tay của chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nhân và cộng đồng những người khởi nghiệp.

Chính quyền địa phương cần tạo ra các cơ chế, chính sách, khuyến khích thu hút đầu tư, thu hút các doanh nhân thành công quay về đầu tư cho quê hương. Xây dựng không gian làm việc chung, không gian đổi mới sáng tạo, các cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chuyên nghiệp, xây dựng và phát triển mạng lưới mentor/nhà tư vấn, xây dựng các chương trình mentoring giúp các startup tìm được mentor phù hợp...

Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, các diễn đàn kết nối, giao thương... Tỉnh cũng cần có chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao, tạo tiền đề tốt cho những người trẻ sau khi tốt nghiệp đại học, nghiên cứu sinh quay về quê hương cống hiến, tạo cơ sở hạ tầng để thu hút nguồn lao động bậc cao đến với địa phương.

Các doanh nhân thành công cần mạnh dạn đầu tư về Quảng Nam, hỗ trợ thị trường, đầu ra cho các sản phẩm khởi nghiệp, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để các startup hoàn thiện dự án, sản phẩm, mô hình kinh doanh hoặc cách thức đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng thông qua các diễn đàn, hội nghị, chương trình bootcamp, đào tạo chuyên sâu...

Đầu tư xây dựng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như: Co-working space, trung tâm ươm tạo, trung tâm tăng tốc khởi nghiệp, tạo ra các quỹ đầu tư thiên thần, mạo hiểm, quỹ đầu tư tăng tốc...

Đối với cộng đồng khởi nghiệp, phải sẵn sàng dấn thân, học hỏi, chấp nhận sự thất bại và mạnh mẽ đứng lên với tinh thần khởi nghiệp lần sau tốt hơn lần trước. Sẵn sàng đập bỏ tư duy cũ, tư duy làm ăn manh mún, chụp giật, đố kỵ..., sẵn sàng bắt tay nhau để mỗi người một việc cho tốt hơn.

Luôn có tư duy mở, sẵn sàng đón nhận cái mới, ứng dụng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo vào công việc kinh doanh, mạnh dạn cho đi những giá trị mình có để cùng nhau xây dựng cộng đồng sống tích cực, cộng đồng khởi nghiệp thành công.

NGUYỄN BÃO QUỐC