Danh sách cố vấn

Khởi nghiệp và những nút thắt cần tháo gỡ

Ngày đăng : 27 Th09, 2022 lúc 23:31

Cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp (KN) đổi mới sáng tạo tỉnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mozart Việt Nam mở ra nhiều điểm nhìn với Hệ Sinh thái khởi nghiệp (STKN) Quảng Nam.

Cộng đồng khởi nghiệp còn bị động

* Hệ STKN Quảng Nam đang cho thấy những bước đi đúng. Những nền tảng nào được xác định trong việc phát triển hệ sinh thái này, thưa ông?

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp (KN) đổi mới sáng tạo năm 2023. Kế hoạch tập trung triển khai 10 nội dung chính nhằm hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái KN đổi mới sáng tạo tỉnh. Trong đó, tiến hành hỗ trợ các nội dung liên quan phát triển ý tưởng, dự án KN sáng tạo cấp tỉnh (theo Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh) như: hỗ trợ 120 ý tưởng, dự án KN sáng tạo đã được công nhận tham gia Năm quốc gia KN - Quảng Nam 2023; hỗ trợ 20 ý tưởng, dự án KN đổi mới sáng tạo tham gia Ngày hội KN sáng tạo quốc gia, vùng và tỉnh bạn; hỗ trợ 30 ý tưởng, dự án KN đổi mới sáng tạo xây dựng chương trình truyền thông, tuyên truyền, quảng bá điển hình KN thành công...

- Ông Nguyễn Văn Dũng: KN đã và đang là câu chuyện thời sự - kinh tế của đất nước. Chương trình KN là mục tiêu, phương thức đột phá để đạt được mục tiêu chiến lược trong đường lối, chính sách của Đảng đối với thanh niên, trong đó KN là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo.

Nhân loại đang trong quá trình chuyển từ nền văn minh công nghiệp sang kỷ nguyên số, từ nền kinh tế dựa vào các nguồn lực tự nhiên sang nền kinh tế dựa vào tri thức, mở ra cơ hội mới cho các nước đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cùng với cả nước, tại Quảng Nam tinh thần KN sáng tạo, đổi mới đã lan tỏa rộng rãi, ngày càng có nhiều mô hình được hình thành và phát huy hiệu quả kinh tế, các hoạt động hỗ trợ KN được triển khai bài bản, có hệ thống và phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức.

Có thể thấy khởi nghiệp đang là xu thế toàn cầu, trong đó ngành nghề được quan tâm nhiều nhất đó là công nghệ thông tin, nông sản thực phẩm, các loại hình dịch vụ, du lịch…

* Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận cộng đồng khởi nghiệp trong Hệ STKN của tỉnh vẫn còn yếu và bị động?

- Ông Nguyễn Văn Dũng: Có thể thấy mặc dù hành lang pháp lý và cơ chế chính sách về KN đã được ban hành khá đủ nhưng cộng đồng KN tại Quảng Nam tiếp cận còn nhiều hạn chế. Đa số mô hình KN tại Quảng Nam hiện mang bóng dáng khởi sự kinh doanh, chưa phải KN. Hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm còn quá thấp.

Dễ thấy, các dự án KN vẫn dừng ở quy mô hộ gia đình, chủ thể KN “vừa là ông chủ vừa là nhân viên”, thị trường vẫn quanh quẩn trong tỉnh thậm chí trong huyện, chưa vươn ra tầm quốc gia, quốc tế…

Nói chung, các mô hình KN mới dừng ở sáng tạo trong cách làm và thái độ phục vụ chứ chưa có sự sáng tạo trong nội chất của sản phẩm. Nguồn lực con người và tài chính đầu tư được cho là rào cản lớn nhất với các nhà KN.

Trong khi Quảng Nam chưa có đơn vị nào kêu gọi vốn thành công, chưa quen với kêu gọi vốn, chưa quen có nhà đầu tư. Thực trạng này không riêng Quảng Nam mà là vấn đề chung của nhiều địa phương.

Các mô hình khởi nghiệp tại Quảng Nam đang được trợ lực từ các cơ chế, chính sách. Ảnh: V.A

Các mô hình khởi nghiệp tại Quảng Nam đang được trợ lực từ các cơ chế, chính sách. Ảnh: V.A

Cần tìm doanh nghiệp đầu tàu

* Để thúc đẩy một Hệ STKN với nhiều chủ thể KN đổi mới sáng tạo, theo ông cần thẳng thắn nhìn nhận “điểm nghẽn” ở những góc độ nào?

- Ông Nguyễn Văn Dũng: Bên cạnh nhà nước đóng vai trò tạo ra sân chơi, cơ chế chính sách như “bầu sữa mẹ”, thì vấn đề chính phụ thuộc chủ thể KN. Họ cần phải có tư duy cải tiến liên tục, thường xuyên để “bơm” giá trị vào sản phẩm.

Tỉnh đang tạo nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ KN. Tuy nhiên điểm nghẽn khiến việc tiếp cận khó khăn vẫn nằm ở thủ tục. Một cơ chế gần gũi nhất với KN là Nghị quyết 09 ngày 2.11.2020 về cơ chế, chính sách hỗ trợ Hệ STKN thì đến nay cũng mới phát huy ở việc hỗ trợ trưng bày sản phẩm, xây dựng video, clip…

Thứ hai là cộng đồng KN quá tập trung vào bán hàng mà chưa chú trọng phát triển sản phẩm, gắn giá trị vào sản phẩm. Thứ ba là sự kết nối trong cộng đồng KN đâu đó vẫn thiếu sự gắn kết.

Hiện nay có thực trạng một cơ chế chỉ hỗ trợ 10 triệu đồng nhưng phải mất hết 2 năm qua 2 hội đồng (xét duyệt và nghiệm thu) mới giải ngân được. Như vậy, tính khả thi của cơ chế hỗ trợ sẽ mất dần vì không thu hút được doanh nghiệp. Ngoài thủ tục cần phải nói đến tư duy, nhận thức trong vấn đề hỗ trợ. Chúng ta đang nói hỗ trợ nhưng triển khai lại mang bóng dáng “xin - cho”.

Nếu mang tư duy đi cho thì chỉ có rườm rà thêm, còn đúng nghĩa của hỗ trợ thì phải ở vai trò người phục vụ. Đi kèm tư duy thì thủ tục hành chính phải càng đơn giản, tiện lợi, dễ làm càng tốt. Chúng ta cần mạnh dạn “vượt rào” để doanh nghiệp không áp lực về thủ tục hồ sơ”.

Ở đây cần nói thêm, sự hỗ trợ mang tính dàn trải, đều đều thì cái lợi là tất cả cộng đồng được thụ hưởng. Tuy nhiên để cơ chế chính sách thực sự là cú hích, giúp doanh nghiệp bứt phá thì xu hướng cần giảm hỗ trợ bằng tiền mà hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách khác như nâng cao kiến thức qua đào tạo, tập huấn, phát triển thị trường, kết nối chuỗi...

Muốn đánh giá một Hệ STKN hàng đầu, cần phải xem xét hệ sinh thái đó có bao nhiêu sản phẩm, bao nhiêu nhà KN mang tầm quốc gia, quốc tế. Quảng Nam muốn khẳng định thương hiệu và định vị KN thì cần hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp tầm cỡ với doanh thu hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Những doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò dẫn dắt Hệ STKN tỉnh.

Khởi nghiệp du lịch từ làng nghề truyền thống đang được nhiều người trẻ tổ chức. Ảnh: Q.T

Khởi nghiệp du lịch từ làng nghề truyền thống đang được nhiều người trẻ tổ chức. Ảnh: Q.T

Tận dụng lợi thế bản địa

* Với 44 làng nghề truyền thống, chưa kể những chính sách hỗ trợ phát triển du lịch kết hợp làng nghề đang được triển khai, theo ông, cơ hội KN từ lợi thế này như thế nào với người trẻ trên địa bàn?

- Ông Nguyễn Văn Dũng: Quảng Nam có nhiều làng nghề truyền thống được xem như nét đặc trưng văn hóa, ẩm thực, thẩm mỹ của người dân xứ Quảng. Trong những năm qua, việc phát triển du lịch gắn với làng nghề chưa có được sự kết nối tốt, chưa có sự chuẩn hóa từ các cơ quan quản lý, sự hỗ trợ của nhà nước còn thiếu tập trung.

Đặc biệt, KN trong lĩnh vực làng nghề còn chưa rõ nét. Chưa xuất hiện tổ chức cá nhân mạnh dạn vượt rào, vượt khó, vượt khỏi vòng an toàn để đột phá KN. Chính vì vậy, việc định hướng cho mô hình KN sáng tạo từ làng nghề truyền thống gắn với du lịch là hết sức cần thiết, thiết thực và thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống và du lịch của mỗi địa phương.

Người tham gia KN cần xác định đây chính là hoạt động gắn phát triển kinh tế tư nhân với phát triển cộng đồng. Lợi ích đầu tiên là hướng đến cộng đồng với sứ mệnh “mang giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của xứ Quảng đến với quốc gia, thế giới”.

Thêm nữa, cần đặt mình vào vị trí của khách du lịch, tức là trao đi giá trị họ cần (chứ không phải cái mình có, vì những gì mình có họ cũng đã có thì giá trị sẽ thấp). Đặt mình vào vị trí khách hàng để chúng ta có góc nhìn, cảm xúc gần với những mong đợi, nhu cầu của khách hàng.

Thứ 3, lấy dài làm đích. Góc nhìn này sẽ định hướng cho chiến lược, mô hình kinh doanh mang tính lâu dài, bền vững và có sự lặp lại của hoạt động tiêu dùng. Và cuối cùng, các chủ thể KN phải xác định việc đi cùng nhau. Không có con đường nào khác ngoài xu hướng “đi cùng nhau” khi KN trong lĩnh vực làng nghề gắn với du lịch. Cần có chuỗi liên kết các làng nghề, các mô hình để cùng tồn tại và phát triển...

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

X.HIỀN - V.ANH - Q.TUẤN